Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

GIỚI THIỆU VỀ CHỈ SỐ PAPI

2020-11-04 15:42:00.0

PAPI là chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh chân thực tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Chỉ số PAPI hướng tới cải thiện hiệu quả phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của nhân dân. PAPI đo lường trải nghiệm của người dân với việc thực thi chính sách, pháp luật, quy định của các cấp chính quyền địa phương ở những nội dung sau:

1. Tham gia của người dân ở cơ sở: Tập trung tìm hiểu mức độ hiệu quả của  chính quyền địa phương trong việc huy động sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở, qua đó đánh giá các cơ chế tạo điều kiện cho người dân tham gia vào các quy trình quản trị và hành chính công. Các vấn đề chính được đề cập ở đây là hiểu biết của người dân về cơ hội tham gia của mình, kinh nghiệm trong bầu trưởng thôn/tổ trưởng dân phố và mức độ hài lòng với chất lượng bầu cử vị trí trưởng thôn/tổ trưởng dân phố và huy động đóng góp tự nguyện của người dân cho các dự án công trình công cộng của xã/phường.

2. Công khai, minh bạch: Đánh giá mức độ công khai, minh bạch trong cung cấp thông tin của chính quyền địa phương tới người dân. Đặc biệt, trục nội dung này tập trung vào vấn đề nhận thức của người dân từ kết quả cung cấp thông tin của chính quyền cũng như mức độ công khai thông tin về các chính sách xã hội cho người nghèo, về các quy định pháp luật ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của người dân, về thu chi ngân sách cấp xã/phường và về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khung giá đền bù đất bị thu hồi.

3.Trách nhiệm giải trình với người dân: Về trách nhiệm giải trình với người dân tập trung đánh giá hiệu quả giải trình của cán bộ chính quyền về các hoạt động tại địa phương với cấp cơ sở. Nội dung này xem xét mức độ và hiệu quả tiếp xúc của người dân với các cá nhân và cơ quan có thẩm quyền để giải quyết các vấn đề cá nhân, gia đình, hàng xóm, hoặc liên quan tới chính quyền địa phương; về khiếu nại, tố cáo của người dân; chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước các chương trình và dự án triển khai ở cấp xã/phường (như Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng).

4.Kiểm soát tham nhũng: Đánh giá mức độ tham nhũng, vai trò, trách nhiệm của người dân trong việc phát hiện, phản ánh các hành vi tham nhũng. Nhận thức của người dân về quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng và hiệu quả của những nỗ lực chống tham nhũng của các cơ quan nhà nước.

5.Thủ tục hành chính công: Đánh giá một số dịch vụ và thủ tục hành chính công được lựa chọn. Nội dung này xem xét việc thực hiện và hiệu quả của việc cung ứng dịch vụ và xử lý thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính địa phương dựa trên trải nghiệm thực tế của người dân khi đi làm các thủ tục hành chính và mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công.

6.Cung ứng dịch vụ công: Đề cập tới các dịch vụ công được coi là đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện điều kiện sống của người dân như y tế, giáo dục, nước sạch và tình hình an ninh, trật tự ở địa bàn khu dân cư.

Hoàng Thị Chinh
UBND xã Yên Ninh

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1566398